Với những ai quan tâm tới môi trường biển, cái tên tổ chức phi chính phủ Ocean Cleanup Foundation của Boyan Slat không còn xa lạ. Tổ chức này nổi tiếng với những nỗ lực và sáng kiến trong việc thu gom và dọn sạch rác nhựa từ núi rác khổng lồ trên Thái Bình Dương (có tên là "Great Pacific Garbage Patch").
Và nay, Ocean Cleanup Foundation đã thử nghiệm một phiên bản tương tự với hệ thống gom rác nhựa trên đại dương nhưng dành riêng để hoạt động trên các dòng sông.
"Để giải quyết vấn đề rác nhựa, chúng ta cần làm 2 chuyện: một là dọn sạch rác trên các đại dương, và để làm điều đó chúng tôi đã có hệ thống Ocean Cleanup System; hai là ngăn chặn ngay từ đầu nguồn để rác nhựa không đổ ra đại dương", Boyan Slat chia sẻ với hãng tin Reuters.
Hệ thống làm sạch rác nhựa của quỹ phi chính phủ do Slat điều hành sử dụng một hệ thống khung nổi lớn để thu gom rác. Sau những thất bại ban đầu, Ocean Cleanup đã điều chỉnh, cải tiến hệ thống và vào đầu tháng này họ công bố đã có thể thu gom rác nhựa thành công tại các vùng biển quốc tế.
Interceptor tương tự hệ thống gom rác trên biển nhưng hoạt động trên sông gồm một chiếc tàu được neo xuống đáy sông, trong khi các "cánh tay" nổi của nó (được thiết kế chừa lại không gian cho các loại sinh vật và dòng nước lưu thông bình thường) sẽ lùa rác nhựa vào hệ thống thu gom của nó.
Theo Ocean Cleanup, hệ thống này đã được thử nghiệm trên các dòng sông ở Jakarta (Indonesia) và Klang (Malaysia). Ngoài ra, hai kế hoạch thử nghiệm nữa sẽ được triển khai ở thành phố Cần Thơ của Việt Nam và Santo Domingo của CH Dominica.
Tổ chức Ocean Cleanup cho biết họ vẫn đang thử nghiệm hệ thống trên sông và sẽ chưa công bố các số liệu rác nhựa thu gom được cho tới khi giai đoạn triển khai thử nghiệm hoàn tất.
Dù vậy cũng theo tổ chức này, mỗi thiết bị như vậy có khả năng thu gom hàng ngàn kg rác nhựa mỗi ngày.
Nhà khoa học trẻ kiêm nhà bảo vệ môi trường Boyan Slat cho biết chỉ có 1% số dòng sông trên thế giới gây ra 80% tình trạng ô nhiễm trên các đại dương. Điều này cho thấy việc tìm giải pháp ngăn chặn rác nhựa ngay từ đầu nguồn phát sinh trên những dòng sông là điều "hoàn toàn có thể làm được".